Sở Giáo dục và Đào Tạo Bến Tre

Học tập

Hai gương mặt đạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia

Email In PDF.

BDK - Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia năm học 2022-2023, Trường THPT Chuyên Bến Tre tiếp tục ghi dấu ấn với 10 thí sinh đạt giải. Với những chia sẻ kinh nghiệm học tập của các em sẽ lan tỏa và tạo tinh thần, động lực học tập cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong tỉnh

Học sinh Võ Thị Trâm Anh

 

Học sinh Võ Thị Trâm Anh

Võ Thị Trâm Anh - học sinh lớp 12 Sử - Địa

Với số điểm 14,75/20 điểm, Võ Thị Trâm Anh đạt giải ba môn Lịch sử tại Kỳ thi chọn HSG quốc gia năm học 2022-2023. Chia sẻ niềm vui khi hay tin đạt giải, Trâm Anh cho biết: “Kỳ thi HSG quốc gia đối với em là một trong những kỳ thi quan trọng nhất trong 3 năm cấp ba. Trong quá trình ôn luyện, bên cạnh những thuận lợi thì em cũng gặp khá nhiều khó khăn nhưng may mắn được thầy cô và bạn bè giúp đỡ. Khi nhận được kết quả, em vô cùng xúc động vì những cố gắng trong hai năm học đội tuyển cuối cùng cũng được đền đáp”.

Sinh ra trong gia đình có ba, mẹ là viên chức nhà nước, ngay từ nhỏ, Trâm Anh được gia đình định hướng trong học tập. Thời còn là học sinh THCS, em đã yêu thích môn Lịch sử. Thời gian đó, em được giáo viên bộ môn bồi dưỡng, tham gia và đạt giải các kỳ thi HSG cấp tỉnh.

Trước đó, Trâm Anh còn là thủ khoa đầu vào khối Lịch sử, Trường THPT Chuyên Bến Tre. Có cơ duyên học tập tại Trường THPT Chuyên Bến Tre, Trâm Anh có thêm cơ hội học tập chuyên sâu với môn học mà em yêu thích. Em đọc nhiều tài liệu, sách, được nhà trường giới thiệu, bồi dưỡng vào đội tuyển thi HSG quốc gia và đạt thành tích như ngày hôm nay.

Với kinh nghiệm học tập của bản thân, Trâm Anh cho rằng: “Việc đầu tư vào xây dựng kiến thức nền tảng là vô cùng quan trọng. Sau khi nắm vững kiến thức rồi thì nghiên cứu các câu hỏi chuyên sâu hơn. Trung bình 1 giờ/ngày em hoàn thành các bài học, bài tập trên lớp, 3 - 4 giờ/ngày dành cho môn Lịch sử. Ngoài nội dung học trên lớp, Trâm Anh còn tìm hiểu thêm các bài giảng trên mạng và các tài liệu lịch sử. Từ đó, em có sự am hiểu nhất định và vững kiến thức môn học này.

“Môn Lịch sử không chỉ đơn thuần dạy em về quá khứ hào hùng của dân tộc mà còn dạy cách nhìn nhận mọi việc từ nhiều phía, đa chiều và cảm thấy cảm thông hơn với người khác. Những bài học rút ra từ môn học này hoàn toàn có thể áp dụng vào tương lai. Khi học các sự kiện lớn cần nắm những ý chính để làm tốt những câu hỏi căn bản nhất. Đối với một bài thi HSG đòi hỏi kiến thức sâu hơn. Khi viết về một sự kiện phải biết ý nghĩa, tác động của sự kiện, cần khai thác sâu và có cái nhìn đa chiều. Bài thi Lịch sử viết như một bài luận, cách diễn đạt phải hợp lý và chặt chẽ. Môn Ngữ văn đóng vai trò quan trọng trong quá trình viết bài thi môn Lịch sử”, Trâm Anh chia sẻ.

Với những nỗ lực của mình qua các năm học, Trâm Anh luôn là học sinh loại giỏi các năm. Đặc biệt, thành tích thủ khoa môn Lịch sử kỳ thi Olympic 30-4 cấp khu vực 2020-2021, giải ba HSG cấp tỉnh 2020-2021, giải nhì HSG cấp tỉnh 2021-2022. Ngoài thời gian học tập, Trâm Anh còn tham gia Câu lạc bộ Phát thanh của trường để chia sẻ các thông điệp hay ý nghĩa, gửi gắm những thông tin, tuyên truyền những việc làm hay, có ích, góp phần cùng thành viên CLB và nhà trường xây dựng môi trường học tập hạnh phúc.

Chia sẻ dự định tương lai, Trâm Anh cho biết: “Em sẽ đăng ký thi tuyển vào Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ làm giáo viên. Đồng thời, em sẽ nộp hồ sơ xét tuyển các ngành khác để thử sức của bản thân”.

Nguyễn Công Hưng - Học sinh lớp 11 Sử - Địa

Là học sinh khối 11 tham gia và đạt tổng số 14,25/20 điểm, Công Hưng đạt giải ba môn Địa lý tại Kỳ thi chọn HSG quốc gia năm nay. Lần đầu tham gia kỳ thi HSG quốc gia, tâm lý của Công Hưng khá lo lắng. Trước áp lực cho kỳ thi quan trọng, Công Hưng dành 2 tháng tập trung và thật sự nghiêm túc để đầu tư. Ngày học bình thường, em dùng 1 - 2 giờ/ngày để ôn lại kiến thức trên lớp.

 

Học sinh Nguyễn Công Hưng

 

Học sinh Nguyễn Công Hưng

Bước ra cuộc thi, theo Công Hưng, bài thi môn xã hội chắc chắn là phải học bài nhưng học bài với cách thông minh, khoa học thì việc học nhanh gọn, không nặng nề như kiểu học thuộc lòng. Cách học của Hưng là sẽ nghe giáo viên giảng, ghi lại những nội dung quan trọng, những nội dung bổ trợ thì em thường nghe và không ghi chú. Sau đó, em đọc sách thêm khi ở nhà để nắm lại kiến thức. “Việc tự học là vua của kỹ năng học và kết hợp việc nghe thầy cô giảng trên lớp thì phần lớn kiến thức của mình sẽ được khắc sâu”, Công Hưng chia sẻ.

Là con gia đình trung nông, có 2 anh em tại xã Hữu Định (Châu Thành), Công Hưng luôn ý thức việc học tập và không ngừng nỗ lực trong từng năm học. Ngay từ những năm học cấp hai, Công Hưng luôn đạt thành tích HSG, tiêu biểu. Năm cuối cấp hai, được giáo viên chủ nhiệm khuyến khích, động viên thi tuyển sinh lớp 10 vào Trường THPT Chuyên Bến Tre. Sau nhiều lần do dự, Công Hưng đã thử sức mình và sự nỗ lực của em đã mở ra cơ hội học tập, rèn luyện chuyên sâu, khoa học hơn với môn Địa lý khi học tại Trường THPT Chuyên Bến Tre. Khi thi đạt vào đội tuyển quốc gia của tỉnh, thầy cô bồi dưỡng và rèn luyện từ kiến thức môn Địa lý ngày thêm nhiều hơn, vững chắc hơn. Trong năm học 2020-2021, Công Hưng đạt giải HSG cấp tỉnh môn Địa lý.

Được hỏi về thành tích bản thân, Công Hưng cho hay: Gia đình đã luôn tạo điều kiện. Ban giám hiệu nhà trường, thầy cô đã quan tâm, nhiệt tình bồi dưỡng, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm quý báu. Đây là gói hành trang, động lực để em bước vào kỳ thi. Để đáp đền những công ơn dưỡng dục của gia đình, bồi dưỡng của nhà trường, Công Hưng tự hứa với lòng sẽ nỗ lực và cố gắng hơn nữa trong việc học. Tương lai gần, em vẫn theo đuổi, nghiên cứu sâu môn học chuyên, tham gia phấn đấu đạt giải tại kỳ thi khu vực (Olympic 30-4), nâng chất giải tại Kỳ thi chọn HSG quốc gia năm học 2023-2024. Song song đó, em chủ động, tích cực hơn nữa trong các hoạt động phong trào. Tương lai xa, Công Hưng sẽ chọn ngành nghề phù hợp với lợi thế môn Địa lý của bản thân.

Ngoài thành tích học tập, Công Hưng còn là gương mặt nổi bật trong chiếc áo xanh đoàn thanh niên. Em từng đạt giải thưởng Trần Văn Ơn của Quỹ tài năng trẻ. Hiện Công Hưng là Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đoàn trường THPT Chuyên Bến Tre và là thành viên Ban Sự kiện của Đoàn trường. Trong các kỳ nghỉ hè, Công Hưng tham gia sôi nổi các chiến dịch do đoàn cơ sở, đoàn cấp trên phát động như: Chiến dịch Hoa phượng đỏ, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè… Theo chia sẻ của Công Hưng, qua các hoạt động đoàn giúp em có thêm kỹ năng mềm, kinh nghiệm và biết cách để xây dựng, tổ chức nội dung một chương trình, sự kiện.

Bài, ảnh: Phan Hân

 

Bến Tre có 3 sản phẩm vào top 150 sản phẩm đổi mới sáng tạo giáo dục xuất sắc

Email In PDF.

BDK.VN - Ngày 18-3-2023, tại Đồng Nai, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Microsoft tổ chức chương trình “Ngày hội trường học sáng tạo”.

Đại diện tác giả của 3 sản phẩm vào top 150 sản phẩm xuất sắc chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn (Ảnh: CTV)

Đại diện tác giả của 3 sản phẩm vào top 150 sản phẩm xuất sắc chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn. Ảnh: CTV

 

Trong chương trình, ban tổ chức công bố top 150 sản phẩm xuất sắc nhất của Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam trên nền tảng công nghệ thông tin 2022-2023” (Education Exchange Vietnam - viết tắt E2 Việt Nam). Trong đó, tỉnh Bến Tre có 3 sản phẩm vào top.

Cụ thể sản phẩm gồm: “Hoạt động thiết kế quạt cầm tay mini (Dự án Stem trong dạy học) của Trường Tiểu học Mỹ An; “Sản xuất giấy ăn từ bã mía và làm tranh từ giấy ăn đã qua sử dụng” của Trường THPT Chuyên Bến Tre; sản phẩm “Giáo án E-learning” của Trường Tiểu học Huỳnh Tấn Phát.

Các sản phẩm vào top được trưng bày và giới thiệu tại chương trình “Ngày hội trường học sáng tạo”. Đây là sản phẩm đến từ trường học điển hình và ươm tạo Microsoft, có 45 sản phẩm đến từ cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, chuyên biệt và cao đẳng, đại học trên toàn quốc.

Diễn đàn năm học 2022-2023 được Microsoft, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát động từ tháng 10-2022. Sau hơn 5 tháng phát động, có 531 sản phẩm tham gia dự thi. Từ các sản phẩm dự thi, Ban giám khảo đã chọn ra 150 sản phẩm xuất sắc lọt vào vòng trong.

Diễn đàn là sân chơi do Microsoft tổ chức hàng năm với sự đồng hành của Bộ GD&ĐT nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý nhà trường.

Phan Hân

 

Nam sinh trường chuyên Bến Tre điềm tĩnh ẵm vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 23

Email In PDF.

TPO - Nam sinh trường THPT chuyên Bến Tre Phạm Hoàng Nam với phong thái thi điềm tĩnh đã từng bước chiếm ưu thế để giành được vòng nguyệt quế Trận thi tuần 2 tháng 3 quý II Đường lên đỉnh Olympia 23. Trong phần thi của cậu có những câu hỏi thú vị về việc dời đô, chat GPT

Trận thi tuần 2 tháng 3 quý II Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 với bốn nhà leo núi đua tài: Phạm Hoàng Nam (THPT chuyên Bến Tre, Bến Tre), Nguyễn Minh Quân (THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh), Đào Quang Huy (THPT Quế Sơn, Quảng Nam) và Bùi Lê Đức Dũng (THPT Nguyễn Thiện Thuật, Hưng Yên).

Phần thi Khởi động với ba lượt câu hỏi, Minh Quân tạo được ưu thế dẫn đầu với 45 điểm, kế đến Đức Dũng 40 điểm, Hoàng Nam 25 điểm và Quang Huy 10 điểm.

Nam sinh trường chuyên Bến Tre điềm tĩnh ẵm vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 23 ảnh 1
Hoàng Nam đã giải được từ khóa cần tìm trong phần thi vượt chướng ngại vật

Phần thi Vượt chướng ngại vật có từ khóa cần tìm gồm 4 chữ cái. Hàng ngang đầu tiên được lựa chọn có câu hỏi: Nguyên tố nào có độ âm điện lớn (3,44) chỉ đứng sau sau flo? Hoàng Nam và Minh Quân ghi điểm với đáp án Oxi.

Hàng ngang thứ hai được lựa chọn có câu hỏi: Từ nào còn thiếu trong đoạn thơ sau: "Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ ... cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà" (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)? Ba thí sinh Hoàng Nam, Minh Quân và Đức Dũng ghi điểm với đáp án "Cây". Ngay sau khi hình ảnh gợi ý công bố, Hoàng Nam có đáp án chính xác về từ khóa cần tìm là "Rừng".

Phần thi Tăng tốc, Hoàng Nam đã tiếp tục phát huy lợi thế dẫn đầu ghi thêm nhiều điểm số nhất đoàn đua. Minh Quân và Đức Dũng bám sát phía sau. Sau ba phần thi, vị trí của đoàn đua lần lượt là Hoàng Nam 175 điểm, Minh Quân 145 điểm, Đức Dũng 130 điểm, Quang Huy 70 điểm.

Nam sinh trường chuyên Bến Tre điềm tĩnh ẵm vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 23 ảnh 2

Hoàng Nam trả lời được 2/3 câu hỏi về đích.

Phần thi Về đích, Hoàng Nam lựa chọn ba câu hỏi có cùng giá trị 20 điểm. Hoàng Nam đã bỏ lỡ cơ hội ghi điểm đầu tiên có câu hỏi "Trong lịch sử Việt Nam, từ khi có nhà nước, ai là người đầu tiên tiến hành công cuộc dời đô?" (đáp án là An Dương Vương, dời đô từ Phong Châu xuống Cổ Loa).

Hoàng Nam nhanh chóng ra đáp án chính xác là chat GPT đối với câu hỏi: Vào tháng 11/2022, một chatbot trò chuyện do OpenAI phát triển và ra mắt đã làm cả thế giới kinh ngạc vì khả năng trả lời chi tiết, lưu loát các câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau bằng nhiều ngôn ngữ (trong đó có tiếng Việt), Chatbot trò chuyện đó có tên là gì?

Tuy nhiên cậu đã giành được điểm ở hai câu còn lại về chat GPT và tiếng Anh, về vị trí với 215 điểm.

Minh Quân là thí sinh thứ hai thi về đích, lựa chọn ba câu hỏi có cùng giá trị 20 điểm. Cậu đã trả lời được cả ba câu hỏi để về vị trí với 205 điểm.

Đức Dũng lựa chọn ba câu hỏi có giá trị 20 - 20 - 30 điểm. Cậu trả lời được câu đầu tiên và câu cuối cùng, nhưng để Hoàng Nam ghi điểm được ở câu hỏi thứ hai về kiến thức văn học. Đức Dũng về vị trí với 160 điểm.

Quang Huy lựa chọn ba câu hỏi có giá trị 20 - 20 - 30 và chọn Ngôi sao hy vọng câu cuối cùng, nhưng không thành công. Hoàng Nam giành được điểm ở câu đầu tiên. Minh Quân giành quyền trả lời hai câu còn lại, nhưng chỉ ghi được điểm ở câu hỏi 30 điểm. Quang Huy về vị trí với 20 điểm.

Nam sinh trường chuyên Bến Tre điềm tĩnh ẵm vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 23 ảnh 3

Hoàng Nam giành được vòng nguyệt quế trận thi tuần 2 tháng 3 quý II Đường lên đỉnh Olympia.

Kết quả chung cuộc, Phạm Hoàng Nam (THPT chuyên Bến Tre, Bến Tre) giành vòng nguyệt quế với 255 điểm. Nguyễn Minh Quân (THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) về nhì với 220 điểm. Cùng về vị trí thứ ba Đào Quang Huy (THPT Quế Sơn, Quảng Nam) 20 điểm và Bùi Lê Đức Dũng (THPT Nguyễn Thiện Thuật, Hưng Yên) 160 điểm

 

2 dự án đạt giải nhất Cuộc thi Khoa hoc kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh

Email In PDF.

BDK.VN - Sáng 1-2-2023, tại Trường THPT Lạc Long Quân (TP. Bến Tre), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổng kết cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học (HSTH) cấp tỉnh năm học 2022-2023.

Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy trao giải cho nhóm tác giả có dự án đạt giải nhất cuộc thi.

 

Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy trao giải cho nhóm tác giả có dự án đạt giải nhất cuộc thi.

Kết quả chung cuộc, 2 dự án đạt giải nhất thuộc về dự án: “Phát huy giá trị danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong giáo dục đạo đức đoàn viên thanh niên” đơn vị Trường THPT Nguyễn Đình Chiêu và dự án “Hệ thống giám sát, hỗ trợ cứu hỏa bằng máy bay không người lái ứng dụng công nghệ xử lý ảnh nhiệt và mạng nowrron nhân tạo” đơn vị Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu và Trường THPT Ngô Văn Cấn.

Ngoài ra, Ban giám khảo đề xuất khen thưởng 4 dự án đạt giải nhì, 8 dự án đạt giải ba, 25 dự án đạt giải tư và 6 tập thể có thành tích xuất sắc nhất, tham gia, đạt kết quả tốt nhất qua cuộc thi.

 

Đại diện 6 tập thể có thành tích xuất sắc nhất cuộc thi nhận khen thưởng.

 

Đại diện 6 tập thể có thành tích xuất sắc nhất cuộc thi nhận khen thưởng.

Cuộc thi KHKT dành cho HSTH cấp tỉnh năm học 2022-2023 được tổ chức từ ngày 9-1-2023 đến 1-2-2023, với 2 vòng thi sơ khảo và chung khảo. Cuộc thi có 127 dự án dự thi, thuộc 16 lĩnh vực, đây là những dự án được đánh giá, xét chọn từ cuộc thi cấp cơ sở. Trong đó, có 69 dự án của HS trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), các dự án còn lại của các đơn vị phòng GD&ĐT (trường THCS). Qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn 40 dự án vào chung khảo để xét giải.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, cuộc thi KHKT năm nay đạt được mục đích, yêu cầu đã đặt ra. Sự tham gia đầy đủ của các cơ sở giáo dục trung học trong tỉnh (100% đơn vị phòng GD&ĐT, các trường THPT, 2/9 TT GDNN-GDTX), thể hiện sự phấn đấu trong học tập, rèn luyện theo tinh thần đổi mới, học tập gắn liền với thực tiễn, biết vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Cuộc thi góp phần phát huy khả năng sáng tạo, tạo ra sân chơi bổ ích, trí tuệ và khoa học cho HS phổ thông. Qua đó, tìm kiếm những ý tưởng khoa học độc đáo, những sáng kiến và giải pháp cụ thể, thiết thực phản ánh việc gắn kết giữa kiến thức được học tập trong nhà trường với những vấn đề thực tiễn cuộc sống, các hoạt động sản xuất kinh doanh của địa phương,.... Đây là yếu tố quan trọng nhất mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất quan tâm.

Phát động cuộc thi KHKT dành cho HSTH cấp tỉnh năm học 2023-2024, Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy lưu ý: Cơ sở giáo dục cần chủ động nghiên cứu các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT liên quan đến cuộc thi nhằm đảm bảo yêu cầu và đạt hiệu quả cao khi tham gia cuộc thi. Phổ biến rộng rãi đến thầy cô, học sinh về cuộc thi để có sự chuẩn bị nguồn lực cho việc nghiên cứu triển khai dự án. Tích cực đổi mới phương pháp giảng giải, triển khai các hình thức giáo dục STEM, thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học nhằm giúp học sinh chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu KHKT; khai thác tốt tiềm năng đội ngũ thầy cô trong đơn vị để phát triển những ý tưởng thành dự án hiện thực

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông

Email In PDF.
Zalo

Đại biểu tham quan màn hình trình chiếu hệ thống Trung tâm EDU IOC.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục, ngày 30 tháng 12 năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số được áp dụng cho các sở giáo dục và đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên phạm vi cả nước. Theo dõi đánh giá khách quan, thực chất, công bằng kết quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, phát hiện các điển hình, mô hình chuyển đổi số làm tốt để nhân rộng, tạo phong trào thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục.

Mức độ chuyển đổi số

Mức độ chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục được đánh giá theo từng (02) nhóm tiêu chí thành phần (nhóm chuyển đổi số trong dạy, học; nhóm chuyển đổi số trong quản trị), thang điểm tối đa là 100, mỗi nhóm tiêu chí được đánh giá ở ba mức độ:

Mức chưa đáp ứng (Mức độ 1): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí dưới 50. Ở mức này, cơ sở giáo dục chưa đáp ứng các yêu cầu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.

Mức đáp ứng cơ bản (Mức độ 2): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí đạt từ 50 đến 75. Ở mức này, cơ sở giáo dục đã đáp ứng yêu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.

Mức đáp ứng tốt (Mức độ 3): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí đạt trên 75. Ở mức này, cơ sở giáo dục đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản và một số yêu cầu nâng cao về triển khai chuyển đổi số.

Quy trình tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số

- Cơ sở giáo dục tự đánh giá

Hằng năm cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số (có thể lồng ghép vào kế hoạch chung ứng dụng CNTT của cơ sở giáo dục), phân công và giao trách nhiệm thực hiện cụ thể.

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục phê duyệt kết quả tự đánh giá; báo cáo kết quả đánh giá lên cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp, cập nhật kết quả tự đánh giá lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục trước ngày 31/5 hằng năm.

- Đánh giá ngoài và công nhận kết quả

Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, đánh giá ngoài và công nhận mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp; cập nhật kết quả đánh giá trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục trước ngày 20/6 hằng năm; công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục trên Cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng./.

 
Trang 1 của 17

Danh mục

Đăng nhập