Sở Giáo dục và Đào Tạo Bến Tre

Góc tham luận - Trao đổi

Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam năm 2010 của Unicef Việt Nam:

Email In PDF.
(GD&TĐ)- Việt Nam đạt mức bình đẳng giới khá tốt. Số học sinh nữ ở cả hai cấp Tiểu học và Trung học chiếm gần một nửa, tỉ lệ hoàn thành Tiểu học đúng độ tuổi cao, đồng đều giữa các vùng miền... là những nét chính trong bản báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam năm 2010 của Unicef Việt Nam.
Giáo dục Tiểu học
Về tỉ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc học Tiểu học, báo cáo của Unicef Việt Nam chỉ ra rằng: trong năm học 2006-2007, tỉ lệ nhập học đúng tuổi bậc Tiểu học là 96% trong đó tỉ lệ học sinh gái chiếm gần một nửa (49%).
Học sinh Tiểu học. Ảnh, gdtd.vn
Đồng thời, sự khác biệt giữa các vùng trong cả nước là khá nhỏ. Khu vực đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ cao nhất là 98% trong khi đó Khu vực Tây Nguyên có tỉ lệ thấp nhất là 94%
Bản báo cáo phân tích khá rõ về giới tính trong độ tuổi nhập học Tiểu học: năm học 2006-2007 tổng số có 94% trẻ 6 tuổi đi học lớp 1 trong đó số trẻ em trai cao hơn, chiếm 96% và trẻ em gái chiếm 92%.
Tỷ lệ trẻ em đi học ở vùng nông thôn (94%) cao hơn thành thị (92%) một chút. Theo điều tra MICS: không có sự khác biệt lớn giữa các hộ gia đình có mức sống khác nhau. Cuộc điều tra cũng đưa ra những bằng chứng cho thấy trình độ học vấn của người mẹ có ảnh hưởng tích cực tới việc trẻ được đi lớp 1, cho dù sự khác biệt không đáng kể. Khu vực đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ nhập học cao nhất với 99% còn hai khu vực miền núi phía Bắc thì có tỉ lệ thấp nhất với 87% và 89%.
Tỉ lệ hoàn thành Tiểu học đúng độ tuổi cao, đồng đều giữa các vùng miền
MICS 2006 ước tính phần lớn các em vào học lớp một (98%) sẽ học đến hết lớp năm và không có sự khác biệt lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị. Tỉ lệ này bao gồm cả những em lưu ban ở bậc Tiểu học.
Hai tiêu quan trọng ở bậc học này được báo cáo đưa ra là: tỉ lệ hoàn thành Tiểu học và tỉ lệ hoàn thành Tiểu học đúng tuổi.
Tỉ lệ hoàn thành Tiểu học ở vùng Tây Bắc là thấp nhất, chỉ có 50%, sau đó đến Tây Nguyên chỉ với 65%. Sự chênh lệch lên lên tới 40 điểm phần trăm giữa khu vực có tỉ lệ cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (90%) với khu vực có tỉ lệ thấp nhất là Tây Bắc (49%).
Tỉ lệ hoàn thành Tiểu học đúng tuổi theo vùng, năm 2006, thấp nhất là Đông Bắc 49,4%, cao nhất là đồng bằng Sông Hồng 90,2% và cao thứ hai là vùng Bắc Trung Bộ đạt 88,3%.Hầu hết trẻ hoàn thành tiểu học đều chuyển lên trung học cơ sở. Tỉ lệ chuyển tiếp là 91% và không có sự khác biệt lớn giữa các khu vực và giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Giáo dục Trung học
Vì đã đạt được phổ cập Giáo dục Tiểu học nên Chính phủ đề ra mục tiêu đạt phổ cập giáo dục Trung học cơ sở (THCS) vào năm 2010. Báo cáo Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2008 cho thấy tỉ lệ nhập học đúng tuổi bậc THCS là 79% trong năm học 2006-2007, với 83% ở khu vực thành thị và 78% ở khu vực nông thôn.
Vùng Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ cao nhất với 87% còn vùng Tây Bắc có tỉ lệ thấp nhất, chỉ với
61%. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng tỉ lệ hoàn thành THCS trong năm 2004-2005 là 81%, và tăng lên một chút trong năm 2005-2006 (82%) nhưng lại giảm xuống còn 77% vào năm học 2006-2007. Trong năm học 2006-2007, vùng Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ cao nhất (92%) còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì có tỉ lệ thấp nhất (59%)
Ngoài ra, báo cáo này cũng cho thấy số trẻ em dân tộc thiểu số theo học THCS tiếp tục tăng. Trong năm học 2005-2006, trẻ em dân tộc thiểu số chiếm 14,2% tổng số học sinh, và có tăng lên tới 15% trong năm học tiếp theo. Tỉ lệ này khác nhau đáng kể giữa các vùng miền trên cả nước: 45% ở khu vực Đông Bắc, 80% ở khu vực Tây Bắc và 30% ở khu vực Tây Nguyên. Trong cùng thời kỳ, tỉ trọng học sinh dân tộc thiểu số đi học THPT là 10%.
 
Các học sinh đầu cấp của trường PTTH Gia Lộc, Hải Dương trong Lễ khai giảng năm học mới 2010-2010. Ảnh, gdtd.vn
Một số học sinh không theo học THCS song không hẳn là đã bỏ học – một số có thể còn đang phải lưu ban học lại các lớp tiểu học. Ước tính có tới 5% trẻ ở độ tuổi THCS vẫn đang học lại Tiểu học và 16% thì chưa bao giờ đi học THCS hoặc bỏ học.
MICS 2006 không cho thấy sự khác biệt về giới ở tỉ lệ đi học Trung học ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ em gái thành thị đi học THCS (91%) cao hơn tỉ lệ trẻ em trai (86%). Ở bậc trung học, tỉ lệ này tăng lên theo mức sống của hộ gia đình và trình độ học vấn của người mẹ đối với các trẻ em trai và trẻ em gái. Tỉ lệ nhập học đúng tuổi cấp trung học trong các hộ nghèo nhất là 60% trong khi con số đó là 92% trong các hộ giàu nhất. Tỉ lệ này trong số trẻ có mẹ không đi học là 66%, còn đối với trẻ có mẹ có trình độ trung học phổ thông là 95%.
Cam kết phát triển và nâng cao chất lượng Giáo dục
Năm 1991, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ cập Giáo dục Tiểu học, Năm 2005, Quốc hội phê duyệt Luật Giáo dục sửa đổi. Luật bao gồm các mục và điều khoản liên quan đến Giáo dục cho Mọi người...
Bản báo cáo ghi nhận những Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Giáo dục cũng được thể hiện thông qua việc ban hành Chiến lược Quốc gia về Giáo dục cho Mọi người vào đầu thập niên 90, đề ra một số mục tiêu quốc gia và chỉ tiêu cụ thể cho đến năm 2000. Đây là kết quả thực hiện cam kết quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã tham gia tại Hội nghị Giáo dục Thế giới Dakar năm 2000 nhằm xây dựng một kế hoạch dài hạn.
Kế hoạch Hành động Giáo dục cho Mọi người giai đoạn 2003-2015 (kế hoạch EFA) nêu cụ thể rằng “quyền được Giáo dục của trẻ em và người lớn là nhân tố then chốt trong Luật Giáo dục Việt Nam và Việt Nam dành nhiều nỗ lực và nguồn lực để thực hiện quyền này.” Bản Kế hoạch EFA bao gồm 4 hợp phần chính: chăm sóc trẻ thơ và giáo dục mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục THCS và giáo dục phi chính quy.
Kế hoạch EFA khẳng định ngân sách Nhà nước giữ vai trò là nguồn ngân sách chủ yếu thực hiện kế hoạch, và các khoản chi của Chính phủ cho Giáo dục dự kiến sẽ tăng từ 3,7% năm 2002 lên 4,2% GDP vào năm 2015. Kế hoạch dự kiến, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính 20% tỉ trọng cho Giáo dục.Đồng thời, việc hiện đại hóa quản lý Giáo dục có hiệu quả và việc thực hiện nghiêm túc Kế hoạch EFA sẽ giúp đạt được các mục tiêu trọng yếu vào năm 2015.
Trong Kế hoạch Chiến lược Phát triển Giáo dục 2001-2010, Chính phủ đã cố gắng nhiều hơn để xây dựng các chính sách và những can thiệp nhằm duy trì Phổ cập Giáo dục Tiểu học, đáp ứng mục tiêu Phổ cập Giáo dục THCS vào năm 2010 và đạt tỉ lệ nhập học Mầm non là 95%.
Nâng cao chất lượng Giáo dục là một trong những ưu tiên gần đây của ngành Giáo dục. Kết quả của nó là cải cách chương trình giảng dạy cấp Tiểu học và Trung học, và xây dựng các chuẩn quốc gia về học tập.
Đồng thời cho rằng: năm 2008, Bộ GD-ĐT phát động phong trào thi đua toàn quốc “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, với mục tiêu hình thành một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và hiệu quả, phù hợp với các điều kiện địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội, nhằm thúc đẩy tính năng động và sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội.
Phân tích nguyên nhân - kết quả
Theo luật, học sinh ở cấp Tiểu học ở các trường công lập không phải đóng học phí. Tuy nhiên, các gia đình có con em đi học vẫn phải chi trả các chi phí khác như đi lại, đồng phục, và sách vở học tập. Ở những vùng cao nghèo khó, trẻ em dân tộc, trẻ em con hộ nghèo nhập học tiểu học được được miễn giảm các khoản tiền chính theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo và Chương trình 135 – II...
Học sinh trường PTTH Gia Lộc, Hải Dương. Ảnh, gdtd.vn
Nhiều trẻ em không được đến trường hay không thể hoàn thành cấp tiểu học đơn giản là vì khó khăn kinh tế, hoặc các em phải làm việc giúp gia đình. Làm thế nào để duy trì và tăng tỉ lệ nhập học của học sinh tiểu học và đảm bảo các em sẽ hoàn thành giáo dục tiểu học bắt buộc vẫn là một thách thức đáng kể.
Để hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, cần phải giải quyết một số khó khăn, trong đó có vấn đề liên quan đến các khoản phụ huynh phải chi trả trực tiếp. Những chi phí này cao hơn những khoản phải chi cho tiểu học và khiến cho việc đến trường của trẻ em ở vùng sâu vùng xa hoặc trẻ em trong những gia đình có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. Thời gian học trên lớp còn hạn chế...
Những rào cản và thách thức
Thời gian học trên lớp của bậc tiểu học ở Việt Nam thấp nhất Khu vực châu Á
Theo Ngân hàng Thế giới, lượng thời gian dành cho giảng dạy tiểu học ở Việt Nam hàng năm chưa đến 700 giờ, đó là nhược điểm chính của hệ thống giáo dục. Khoảng 45% học sinh vẫn đang học nửa ngày (dưới 30 tiết học một tuần, tương đương khoảng 20 giờ một tuần). Vì vậy, Việt Nam bị xếp ở mức rất thấp so với các nước khác trong khu vực.
Cũng trong báo cáo đó, có mối liên hệ tích cực rõ ràng giữa các trường có tỷ lệ học sinh đi học cả ngày hoặc lẫn nửa ngày (học sinh học tối thiểu 30 tiết, hoặc 6 buổi, một tuần) và các trường có điểm thấp môn Toán và tiếng Việt. Thời lượng học trên lớp ít chủ yếu là do sự phân bổ giáo viên không hiệu quả và do khối lượng công việc của giáo viên ít (tỉ lệ sử dụng giáo viên thấp). Lý do khác là do thiếu nguồn lực nhà trường.
Bất bình đẳng giới tại nông thôn và vùng dân tộc thiểu số
Chính phủ đã nhận thấy một số trở ngại chính cho việc thực hiện giáo dục trong một số nhóm dân cư, đặc biệt là giữa các nhóm dân tộc thiểu số.
Báo cáo chỉ ra rằng: Có bằng chứng cho thấy khi hộ gia đình nông thôn nghèo phải lựa chọn cho con trai hay con gái đi học, nhìn chung con gái sẽ không được đi học. Việc này hiển nhiên dẫn đến tỉ lệ giáo dục trung học thấp và sự thiếu năng lực của phụ nữ. Đồng thời, nó cũng làm cho tỉ lệ lao động nữ trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp tăng cao, và vắng mặt phụ nữ trong các vị trí quản lý và lãnh đạo.
Bản báo cáo đánh giá: Bộ GD-ĐT phát động phong trào thi đua toàn quốc “THTT, HSTC” với mục tiêu hình thành một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện... phù hợp với các điều kiện địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội. Ảnh, gdtd.vn
Đồng thời khuyến nghị: Cần phải lồng ghép vấn đề giới vào các chính sách, chiến lược và các hoạt động thực tiễn, và sử dụng các số liệu phân tổ để giám sát vấn đề bình đẳng giới. Bình đẳng giới, đặc biệt là bình đẳng giới cho em gái dân tộc thiểu số vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
Nghiên cứu của Bộ GD&ĐT, UNESCO và UNICEF chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến trẻ em gái dân tộc thiểu số không học tiếp lên Trung học là vì các gia đình còn chưa đề cao giá trị giáo dục cho trẻ em gái mà thường chuyển cơ hội đó cho trẻ em trai.
Đồng bào dân tộc thiểu số xác định rào cản đối với quyền được Giáo dục của các em gái dân tộc thiểu số bao gồm: những khó khăn về tài chính và kinh tế của gia đình; trẻ em gái cần phải làm việc để giúp đỡ gia đình; phụ huynh và các em giái đánh giá sai về giá trị Giáo dục; chất lượng dạy và học ở trường thấp; và cơ cấu trường học không đầy đủ.
Thiếu giáo viên có trình độ
Việc thiếu hụt giáo viên cũng tác động đến những nỗ lực, nhất là nỗ lực đạt phổ cập Giáo dục THCS vào năm 2010. Giáo viên tiểu học có trình độ tương đối khá. Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa, miền núi và dân tộc thiểu số, vẫn còn có một số lượng giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn, bản báo cáo nhận định.
Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ đạt chuẩn cho những giáo viên này thông qua nhiều Chương trình, dự án giáo dục, bao gồm: Dự án Phát triển giáo viên tiểu học và Dự án Giáo dục tiểu học cho Trẻ em thiệt thòi.
Giáo viên dạy các môn mỹ thuật, hát, nhạc và giáo dục thể chất, và các môn học mới như tin học và ngoại ngữ cũng đang thiếu. Cũng cần phải nghiên cứu kỹ hơn tính phù hợp của các giáo trình, các phương pháp dạy học và đánh giá. Hệ thống Giáo dục và đào tạo hiện nay không đáp ứng đủ yêu cầu cần thiết của lực lượng lao động, với thực tế là hầu hết các chương trình giảng dạy dường như “không gắn” với nhu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Học sinh không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lên lớp
Kết quả phỏng vấn nội dung này cho thấy giáo viên bị áp lực trước việc học sinh chuyển cấp. Điều này dẫn đến việc một số giáo viên đã “gian lận” bằng cách cho các học sinh không đủ tiêu chuẩn lên lớp để báo cáo thành tích lên lớp của mình. Việc này rất phản tác dụng với chính những học sinh này vì các em không thể theo kịp trình độ của lớp trên, do đó sẽ càng làm tăng khả năng bỏ học của học sinh. Để xóa bỏ những tiêu cực này, Bộ GD&ĐT đã triển khai cuộc vận động “Hai Không: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” trong năm 2007.
Những thách thức trong ngành Giáo dục đến năm 2015
Yêu cầu xây dựng một lực lượng lao động ngày càng có khả năng vận dụng những công nghệ phức tạp, đáp ứng được các loại hình tổ chức kinh tế và khu vực công, theo kịp những tiến bộ toàn cầu.
Tạo bước chuyển biến quan trọng từ tập trung vào số lượng sang chất lượng Giáo dục đòi hỏi phải thực sự cải tiến nội dung Giáo dục, phương pháp sư phạm, kết quả học tập, hệ thống kiểm tra, thái độ dạy và học, và cả hệ thống quản lý Giáo dục.
Trẻ em thiệt thòi phải được đến trường và từ đó hòa nhập vào xã hội hiện đại sẽ cần phải có các hướng tiếp cận khác nhau và phức tạp hơn các hướng tiếp cận trước đây. Nhu cầu xuất hiện ngày càng rõ nét của chu trình Giáo dục cơ bản 9 năm liên tục cho mọi người.
Thay đổi về nhân khẩu học ảnh hưởng đến dân số trong độ tuổi đến trường và đặt ra những nhiệm vụ to lớn về tổ chức và xã hội trong việc phân bổ lại giáo viên và cơ sở hạ tầng. Động lực gắn liền với việc phân cấp quản lý và dẫn đến những biến đổi sâu sắc trong mô hình.
Về trách nhiệm-quyền hạn-trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp quản lý Giáo dục và quyền hạn gia tăng cho chính quyền địa phương;
Một hướng tiếp cận mới trong việc phân bổ tài chính cho Giáo dục và dựa trên cơ sở năng lực và trao quyền tự chủ nhiều hơn cho nhà trường.
Từng bước đưa ra những thay đổi sâu sắc về cách thức quản lý hệ thống Giáo dục, đây là điều kiện cần thiết nhằm giải quyết những thách thức khác.
(Một số phụ đề do phóng viên đặt ra, xem chi tiết chương 4 bản báo cáo tại đây)
Giang Đông (lược trích)
 

Rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong văn miêu tả cho HS tiểu học

Email In PDF.

(GD&TĐ) - Học sinh tiểu học bước đầu đã được làm quen với dạng văn miêu tả (tả đồ vật, tả con vật, tả cây cối, tả người...) nhưng thực tế các em vẫn còn lúng túng, chưa thành thạo trong việc sử dụng ngôn ngữ thích hợp để viết bài. Cho nên, rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong văn miêu tả cho học sinh là vấn đề hết sức cần thiết đối với giáo viên nhằm giúp các em thành thạo sử dụng ngôn ngữ trong văn miêu tả, nâng cao chất lượng bài làm văn.

Theo "Từ điển Tiếng Việt cơ bản" (Nguyễn Như Ý- chủ biên), "Từ điển tiếng Việt" (Viện ngôn ngữ học), sách giáo khoa phổ thông... Nhìn chung, các định nghĩa đều có cái nhìn giống nhau về ngôn ngữ miêu tả: Miêu tả là dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật nào đó làm cho người khác có thể hình dung được cụ thể sự vật, sự việc, con người. Muốn miêu tả đựơc phải quan sát, tổ chức sắp xếp các chi tiết theo logíc, lựa chọn từ ngữ, cách đặt câu, dựng đoạn một cách có nghệ thuật... cốt để làm nổi bật cái thần, cái hồn của đối tượng miêu tả.

Trước hết, ngôn ngữ miêu tả là phải có tính chính xác. Ngôn ngữ miêu tả chính xác là ngôn ngữ miêu tả sát đúng, cụ thể từng biểu hiện của sự vật, sự việc, con người (ngay cả ý nghĩ, tư tưởng...). Bởi văn học phản ánh cuộc sống một cách chân thực, do đó "văn muốn hay là phải đúng" (Lê Quý Đôn). Tả con mèo thì mắt phải tròn, tiếng kêu “meo meo”, ngủ “lim dim”, đi “nhẹ nhàng”… Tả người thì tùy vào đối tượng đó là ai mà sử dụng ngôn ngữ phù hợp, không thể tả mái tóc, nước da của em bé cũng giống như người lớn được…

Thứ hai, tính hàm súc. Hàm súc nghĩa là súc tích, ít lời mà nhiều ý "ý tại ngôn ngoại". Đây là đặc điểm nổi bật đối với văn miêu tả bởi có thế thì đối tượng cần tả mới nổi bật, gợi cảm. Nhà văn Tô Hoài tả: "Nhưng hai bên sườn núi trong các lũng vẫn chỉ sừng sững một màu đá xám ngắt, không thấy đâu một chút vàng lúa chín" (Cứu đất cứu mường) mà đó lột tả được cảnh núi rừng miền Tây Bắc.

Thứ ba, tính hình tượng. Ngôn ngữ miêu tả giàu hình tượng là ngôn ngữ giàu hình ảnh, đường nét màu sắc, âm thanh, nhạc điệu... có khả năng gây ấn tượng mạnh, tác động sâu xa trong trí tưởng tượng và cảm nhận của người đọc. Tả con đêm trăng thì “sáng vằng vặc”, tả con suối thì màu “trắng xóa”, chảy “róc rách”…

Thứ tư, ngôn ngữ phải mang tính truyền cảm. Thông qua hệ thống tín hiệu ngôn ngữ, nhà văn phải bộc lộ những cung bậc tình cảm khác nhau, có thể là niềm vui hay nỗi buồn, yêu thương hay giận hờn... trước đối tượng mình tả. Tứ đó mà hướng dẫn nhận thức và thôi thúc hoạt động của con người. Hướng dẫn học sinh tả con vật thì phải sử dụng những từ ngữ yêu thương, quý mến như: nhớ, thương, yêu quý... hay tả mẹ thì dùng những từ như:  biết ơn, yêu quý, thương yêu...

Tính cá thể hoá cũng là một yêu cầu cao đối với văn miêu tả. Mỗi học sinh do xu hướng, sở trường, thị hiếu, tập quán, tâm lý xã hội, cá tính mà hình thành giọng điệu riêng, cái vẻ riêng về cách dùng từ, đặt câu, dựng đoạn trong bài văn. Có như vậy người đọc nhận ra một bài văn có phong cách, ở chỗ nó cho cảm giác “về một cái khép kín” (Mắc Gia Cốp). Đem lại cho cảnh rực rỡ, lộng lẫy sắc màu, hài hoà, dung dị, tự nhiên. Nó tạo nên giá trị biểu cảm, gợi hình, gợi nét và "gợi cho người đọc cảnh hiện ra y như thật" (Hà Minh Đức). Ví dụ nhà văn Tô Hoài tả: "Bây giờ, buổi sáng mùa đông khô ráo. Từ mặt đất, mây mù dần cất cao như một mành sương cuộn lên, lần đầu tiên trông thấy đồng lúa chín, rồi nước suối Nậm Giơn óng ánh sáng, rồi các nóc nhà trong làng nhấp nhô, rồi thấy ngang lưng quả núi xanh ngắt.

Như vậy, rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong văn miêu tả cho học sinh tiểu học là một trong những vấn đề cần thiết trong dạy học môn văn. Bởi nếu không thì học sinh sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, tùy hứng dẫn đến chất lượng bài văn kém và kéo theo các dạng văn khác các em cũng không thể làm tốt được, bởi văn miêu tả còn được vận dụng trong các dạng văn khác nữa như văn kể chuyện, trần thuật, phát biểu cảm nghĩ, tưởng tượng…

Hà Thị Thu Hoài

 

Một số giải pháp khuyến khích giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy

Email In PDF.

(GD&TĐ) - Hãy cùng phân tích những thực trạng của công tác giảng dạy đại học hiện nay để từ đó xây dựng các sở cứ khoa học nhằm đưa ra các giải pháp triển khai để giúp giảng viên làm tốt công việc giảng dạy của mình, trong đó có việc đổi mới PPGD.

Những nguyên nhân hạn chế đổi mới phương pháp giảng dạy đại học hiện nay

Chưa có chính sách khuyến khích học tập nâng cao trình độ chuyên môn: Muốn có giảng viên dạy giỏi, trước hết giảng viên đó phải là người có trình độ chuyên môn cao, chỉ khi nắm vững chuyên môn lúc đó giảng viên mới tiếp cận được các phương pháp giảng dạy môt cách khoa học và tự tin đứng trước bục giảng. Nhiều trường đại học của ta vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên, còn hiện tượng “cơm chấm cơm” (đại học dạy đại học). Không ít giảng viên sau khi cố gắng lấy được tấm bằng Tiến sĩ, Phó giáo sư đã tự kết thúc con đường học tập, nghiên cứu của mình. Vì họ còn phải mưu sinh…

Không có chính sách, chế độ khuyến khích giảng viên nâng cao nghiệp vụ sư phạm: Hầu hết các giảng viên đại học có bằng Tiến sĩ, tâm huyết với nghề đều có nguyện vọng phấn đấu đạt được các danh hiệu cao quí như giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS), . . . nhưng các tiêu chí trở thành GS/PGS (trong quyết định 174/2008) không hề tính đến chất lượng giảng dạy, không khuyến khích các giảng viên áp dụng đổi mới PPGD, một số tiêu chí   không sát với công việc và đặc thù của nhà giáo. Suy cho cùng chức danh Giáo sư hay Phó giáo sư do Nhà nước phong tặng phải là cái đích cho giảng viên phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bậc đại học. Vì vậy sẽ là sai lầm lớn nếu chỉ đề cao  các giáo sư phải có nhiều bài báo khoa học đăng trên các Tạp chí khoa học quốc tế nhưng khi lên lớp lại “đọc-chép” nhồi nhét kiến thức cho sinh viên.

Những giảng viên đầu tư cho nghiên cứu khoa học giáo dục, đổi mới PPGD không được hưởng quyền lợi nào có giá trị. GS/PGS là chức danh của nhà giáo, nhưng trong các hội đồng xét công nhận chức danh GS/PGS, ngoài hội đồng khoa học giáo dục, còn 26 hội đồng liên ngành khác đều không thừa nhận các kết quả nghiên cứu đổi mới PPGD chuyên ngành của các ứng viên mà chỉ đánh giá các bài báo khoa học thuần túy theo các danh mục đã được qui định trước. Việc làm này thủ tiêu động lực nghiên cứu khoa học giáo dục, nghiên cứu đổi mới PPGD của giảng viên đại học.

Không có tổ chức, cơ quan hỗ trợ giảng viên đại học đổi mới PPGD đại học: Hiện nay, ở các trường ĐH của ta chỉ mới có trung tâm hỗ trợ sinh viên, chưa có trung tâm hỗ trợ giảng viên trong nghiệp vụ sư phạm. Đa số các trường đại học ở Việt Nam đều giao nhiệm vụ nghiên cứu/nâng cao năng lực dạy và học của nhà trường cho khoa sư phạm (nếu có) hoặc đơn vị chuyên trách công tác đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trong khi các khoa sư phạm tập trung vào giáo dục phổ thông thì các đơn vị đảm bảo chất lượng thường chịu trách nhiệm chủ yếu về hoạt động kiểm định và khảo thí. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy đại học không ai quản lý, thuộc thành phần lơ lửng, vô chủ!

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, công nghệ thông tin trở thành phương tiện dạy học hiệu quả, công nghệ dạy học ngày càng có nhiều ứng dụng mới và lý luận/phương pháp giảng dạy đại học không ngừng phát triển thì việc xây dựng các đơn vị chuyên trách đổi mới phương pháp giảng dạy  là rất cần thiết nhằm hỗ trợ giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả. Tuy nhiên lâu nay chúng ta hay kêu gọi giảng viên đại học đổi mới phương pháp giảng dạy, nhưng thực tế nhiều giảng viên không biết phải đổi mới như thế nào, ai/đơn vị nào trong trường có thể giúp đỡ hay hỗ trợ họ trong việc đổi mới?

Hầu hết các trường đại học đã được nối mạng, phương tiện tin học đã được trang bị đến tận phòng học, nhưng việc ứng dụng ICT trong dạy học vẫn còn chưa thống nhất và còn tuỳ tiện. Nhiều  giảng viên trẻ mạnh dạn áp dụng công cụ tin học trong giảng dạy, nhưng còn nhiều giảng viên vẫn trung thành và thuỷ chung “phấn trắng bảng đen” tạo nên hình ảnh “trăm hoa đua nở” “mỗi nơi một vẻ” chẳng giống ai và không ai quản lý.

ảnh mang tính minh họa

Một số giải pháp khuyến khích giảng viên đại học nghiên cứu đổi mới PPGD

Trên cơ sở như đã phân tích, nhằm khắc phục những hạn chế của “công cuộc” đổi mới PPGD ở bậc Đại học, chúng tôi đưa ra một số giải pháp cụ thể mà các trường ĐH ở Việt Nam có thể triển khai  để giúp giảng viên làm tốt công việc giảng dạy của mình, trong đó có việc đổi mới PPGD:

Thành lập trung tâm hỗ trợ giảng dạy cho giảng viên: Các trường đại học Việt Nam hiện nay cần phải có đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ nghiên cứu dạy và học. Tuy nhiên để không tạo thêm biên chế và hoạt động có hiệu quả, nhân sự của đơn vị này là các giảng viên thuộc các khoa đào tạo của trường được tập hợp lại, vừa tham gia giảng dạy ở các khoa vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu về dạy và học dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban giám hiệu trường đại học. Việc giảng dạy và nghiên cứu phải luôn gắn kết với nhau không tách rời nhau, người thoát ly công tác giảng dạy thì không thể hoạt động ở nhóm này.

Chức năng: Đơn vị này có chức năng chính sau:

- Thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy và đánh giá, sử dụng công nghệ dạy học, thiết kế và ứng dụng các phần mềm phục vụ đào tạo hỗ trợ nghiệp vụ sư phạm cho tất cả giảng viên của trường. Nghiên cứu cách sử dụng Hồ sơ học tập trực tuyến (ePortfolios) và Ma trận đánh giá (Rubrics) – đây là hai thế mạnh trong nghiên cứu ứng dụng về giảng dạy đại học hiện nay.

- Gắn kết giữa các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ thông tin trong cùng một đơn vị để cùng làm việc theo những mục tiêu chung.

Nhiệm vụ:

- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ dạy học mới và các phần mềm phục vụ dạy học và đánh giá

- Hỗ trợ giảng viên các khoa, bộ môn trong công tác đào tạo: thiết kế chương trình, đánh giá, sử dụng công nghệ và phần mềm dạy học, cung cấp thông tin, tư vấn và tổ chức tập huấn về nghiệp vụ sư phạm. Có riêng một phòng máy tính để hỗ trợ bất cứ giảng viên nào có nhu cầu tìm hiểu về các phần mềm phục vụ dạy học.

- Giúp giảng viên phát triển và sử dụng phương pháp giảng dạy tương tác và các phương pháp học tích cực để họ có thể trình bày tài liệu môn học theo các cách và quan điểm khác nhau.

Khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm:

Các trường  Đại học cần tạo điều kiện để giảng viên nâng cao trình độ và chất lượng giảng dạy. Đặc biệt phải đặt ra các ngưỡng về bằng cấp để các giảng viên phấn đấu. Ví dụ muốn ở lại giảng dạy đại học lâu dài, giảng viên sau 10 năm giảng dạy phải có bằng Tiến sĩ, sau 20 năm phải đạt chức danh Phó giáo sư. Chú trọng đến việc tôn vinh những giảng viên mô phạm, xuất sắc nhằm khích lệ sự phấn đấu của giảng viên. Hàng năm, căn cứ vào “phiếu điều tra sinh viên” và kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên, nhà trường chọn ra những giảng viên xuất sắc, lập giải thưởng dành cho họ. Những giảng viên này được vinh dự giới thiệu trước toàn trường trong những dịp lễ quan trọng, được mời nói chuyện nhằm truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp vv... Nhà trường phối hợp với trung tâm hỗ trợ giảng viên “sử dụng” ngay các giảng viên xuất sắc của trường tổ chức những lớp học, những lớp tập huấn miễn phí về chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên. Những chứng chỉ được cấp từ những lớp tập huấn này cũng là một trong những điều kiện để xét học hàm Giáo sư hoặc Phó giáo sư cho giảng viên sau này.

Tiêu chí để trở thành GS/PGS phải là những giảng viên có nghiệp vụ sư phạm:

Để trả lại đúng nghĩa giáo sư cho các nhà giáo thực sự, rất mong Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục - đào tạo sớm có biện pháp và soạn thảo luật lệ cho phù hợp. Nên chăng từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, GS, PGS. Tiêu chuẩn bầu GS, PGS, cần chú trọng đến chất lượng giảng dạy, thể hiện qua bình giảng, thi giảng, viết sách giáo khoa và đặc biệt GS/PGS phải là giảng viên có tư tưởng  đổi mới PPGD và có nghiệp vụ sư phạm.

Việc nghiên cứu đổi mới PPGD đại học theo kịp phát triển thời đại đang là điểm nóng trong ngành giáo dục hiện nay, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục. Trên cơ sở phân tích mọi mặt trong môi trường Đại học, bài viết đã kiến nghị phải thành lập các đơn vị chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu về dạy và học trong mỗi trường đại học. Tuy nhiên đó  mới chỉ là điều kiện cần, để việc đổi mới phương pháp giảng dạy thật sự mang lại kết quả mong muốn, các trường cần có thêm những chính sách, chế độ và sự đầu tư phù hợp để tạo điều kiện và động lực đổi mới cho giảng viên.

PGS.TS Ngô Tứ Thành - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Tài liệu tham khảo

[1]. Những quan sát về giáo dục đại học trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện-điện tử-viễn thông tại một số trường đại học Việt Nam” của Đoàn khảo sát thực địa thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ năm 2006

[2]https://my.wsu.edu/portal/page?_pageid=177,185625&_dad=portal&_schema=PORTA

3. Trần Thị Mai Nhận :”Mấy suy nghĩ từ lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy đại học tiên tiến”(http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home).

 

Học tập dựa trên công nghệ Web - thời cơ và thách thức

Email In PDF.

(GD&TĐ) - Trong tương lai không xa, khi toàn bộ thông tin của thế giới được đưa vào những chiếc máy tính có kích thước nhỏ như máy iPod của apple, lúc đó người học có thể tìm ra câu trả lời nhanh hơn bất cứ giáo sư nào và nền giáo dục truyền thống sẽ phải có bước thay đổi về chất.

Cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi hoàn toàn khái niệm trường học và người học: thay cho những ngôi trường nằm tại địa điểm cố định với thời gian học tập cố định là mạng học tập ảo toàn cầu - địa điểm học tập bất cứ nơi nào và bất kỳ thời gian nào, và học giờ đây không chỉ là những năm tháng tại trường phổ thông và đại học - học nghĩa là học tập suốt đời : học để sống. Kỷ nguyên của bảng đen và nghe giảng thụ động cuối cùng cũng phải  chấm dứt sau 3 thế kỷ tồn tại. Giờ đây, trường học là nơi thú vị và lôi cuốn với bảng điện tử và chia sẻ giáo án toàn cầu.

Trước một khả năng hùng hậu của web, việc dạy học dựa trên web sẽ là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhằm “đi tắt đón đầu” xu hướng mới, bài viết này sẽ đưa ra các sở cứ khoa học cho học tập dưa trên web và những mô hình giáo dục mới phù hợp với sự phát triển của công nghệ web.

1. Hội tụ của các cuộc cách mạng khoa học ICT đối với giáo dục

Năm 1988, một sợi quang có thể truyền 3 nghìn thông điệp cùng một lúc, thì nay với  300 nghìn triệu dặm cáp quang có thể truyền hàng triệu thông báo trong một giây. Nhờ công nghệ kết nối bằng laser và vệ tinh, cáp quang có thể truyền hàng tỉ thư điện tử, chương trình phát thanh và truyền hình - một khối lượng lớn những chương trình giáo dục. Tất cả những công nghệ đều tập trung đến sự giao tiếp giữa các máy tính, coi trọng khả năng kết nối chứ không phải khả năng tính toán. Giờ đây, máy tính kết nối mạng đã trở thành công cụ học tập của người học, cách dạy của nhà trường thế kỷ XX sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh của thế kỷ XXI. Do đó đòi hỏi phải thiết kế lại hoàn toàn cách chúng ta dạy và học.

Sự ra đời World Wide Web vào những năm 1990 đã tạo ra khả năng cung cấp thông tin tức thời cùng  kiến thức tổng hợp trực tiếp tới những ai có máy tính cá nhân. Một số người gọi đó là web 1.0 : giai đoạn thứ nhất của cuộc cách mạng internet toàn cầu. Những thành phần làm nên cuộc cách mạng học tập của thế kỷ XXI đang toả sáng trên thế giới dưới những biểu tượng mang tên Google, Wikipedia, Skype, iPod, YouTube, Facebook, Nokia, Yahoo, eBay, Flickr và Myspace. Một số người gọi đó là Web 2.0 : sự kết hợp của những công nghệ khiến cho những sự đổi thay được lan ra trên quy mô toàn cầu, tức thời, miễn phí và mang tính chất mở, cá nhân và không phụ thuộc vào địa điểm, mang tính tương tác, được đồng sáng tạo và dễ dàng chia sẻ bởi hàng tỉ người.

Web 1.0 được ví như như một tờ báo số hóa toàn cầu, có thể xem nhưng không thể thay đổi hoặc tương tác với thông tin trong tờ báo đó. Còn web 2.0 như một bức tranh sơn dầu, ở đó mỗi mảng sơn dầu do một người dùng đóng góp sẽ tạo ra một bề mặt bức tranh phong phú hơn để cho người sử dụng tiếp theo có thể thay đổi. Web 2.0 liên quan chủ yếu tới sự tham gia hơn là sự tiếp nhận thông tin thụ động. Loài người chúng ta đang nhanh chóng chuyển từ mạng thông tin toàn cầu sang một xã hội học tập toàn cầu tiềm năng : một web của những người học tập tương tác, sáng tạo cộng đồng

2. Sử dụng Web hình thành những công nghệ giáo dục mới

2.1 Ứng dụng công nghệ truyền thông tương tác – đa phương tiện vào dạy và học tạo nên công nghệ giáo dục mới theo hướng cá nhân hóa.

Những phát minh đột phá trong truyền thông và công nghệ số đang thách thức thế giới cải tổ lại giáo dục, hình thành công nghệ giáo dục mới dựa trên chính thành quả công nghệ số.   Mô hình trường học dựa vào sách giáo khoa một cỡ vừa cho tất cả đã hoàn toàn lỗi thời. Dự đoán năm 2019 có 50% chương trình trung học sẽ thực hiện qua mạng trực tuyến. Việc học những kỹ năng mới sẽ được thiết kế thành những mô đun để bất cứ ai cũng có thể học tại bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào – và tất cả các mô đun sẽ được cá nhân hóa theo những phong cách học tập riêng của mỗi người.

Khi đó bất cứ ai cũng đều có thể gõ trên bàn phím máy tính các mục tiêu học tập của riêng mình và lựa chọn trên web các giáo trình tương tác giúp họ thực hiện những mục tiêu học tập đó. Mỗi chuyên gia trong lĩnh vực nào cũng đều trở thành một người dạy học toàn cầu và mỗi người dạy đều có thể dễ dàng kết nối với bất cứ người học nào.  Những giáo viên giỏi và chuyên gia đa phương tiện có thể xây dựng các chương trình học trực tuyến dựa trên những mô đun phù hợp với phong cách học tập cá nhân.

2.2 Biến trò chơi điện tử thành công cụ học tập

Mặt trái của web là sinh ra nhiều trò chơi điện tử, thu hút nỗi đam mê của giới trẻ. Nếu không có biện pháp điều chỉnh sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập của giới trẻ. Tuy nhiên bằng phương pháp “tương kế tựu kế”, chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu sử dụng chính những trò chơi điện tử thành công cụ hỗ trợ học tập và đây cũng chính là một thách thức đối với việc học tập trong tương lại.

Nội dung của các trò chơi điện tử mang tính giáo dục được hoàn thiện bởi chính người chơi (người học) và hành động tương tác là điều then chốt. Ví dụ SimCity giả lập công việc thiết kế một thành phố, người chơi có thể đối mặt với trận bão, lốc xoáy, đám cháy trong thành phố.   Các kết quả nghiên cứu cho thấy : nơi nào các giáo viên sử dụng trò chơi điện tử mang tính giáo dục thì ở đó kết quả học tập thu được rất cao, đặc biệt khi học sinh học những khái niệm khó của Toán học. Ví dụ trò chơi DimensionM giúp người học hiểu tinh thông toán học bằng cách thực hiện các sứ mệnh, khả năng hiểu biết tăng lên rõ rệt. Trò  chơi Innov8 giúp các sinh viên đại học phát triển kỹ năng công nghệ thông tin trong một nền kinh tế toàn cầu. Hiện nay, một số trường đại học hàng đầu về khoa học của nước Mỹ đang thiết kế mẫu phần mềm trò chơi để dùng vào việc dạy bất kỳ một môn học nào dựa vào sự tham gia tích cực của người học. Chính những học sinh nhỏ tuổi đang là những người thích hợp nhất để tham gia vào việc tạo ra kỷ nguyên mới của đồng sáng tạo. Vì hiện nay việc học tập tại nhà trường chiếm không quá 20% thời gian ngồi trên lớp, thời gian còn lại trong ngày sống trong thế giới của iPod, Playsation, YouTube, điện thoại di động và các trò chơi điện tử có nhiều người cùng tham gia.

2.3 Hình thành kỷ nguyên sáng tạo đại chúng và chia sẻ thông tin

Đây là khía cạnh nổi bật của cuộc cách mạng web 2.0. Một số hoạt động đồng sáng tạo (cùng sáng tạo, không phụ thuộc địa lý) nổi bật :

Đầu thế kỷ 21, các công ty Mỹ tiến hành mọi nghiên cứu trong nội bộ công ty. Ngày nay các công ty này đang khai thác chất xám trí tuệ của các chuyên gia trên toàn thế giới. Ví dụ một nhà khoa học trong bất cứ lĩnh vực nào chỉ cần đăng ký với mạng InnoCentive, ở đó có 125.000 nhà khoa học khác tại 175 quốc gia đã kiếm tiền bằng việc giúp P&G giải quyết những vấn đề hóc búa của nghiên cứu và phát triển.

Wikipedia là mô hình đồng sáng tạo kể từ năm 2001, được thực hiện bởi sự cộng tác đại chúng của hàng nghìn chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau trên thế giới. Tất cả các bài viết được sử dụng miễn phí bởi 1,4 tỉ người sử dụng máy tính di động đa phương tiện đã làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế thế giới. Những mô hình sáng tạo đại chúng toàn cầu như Wikipedia có thể gợi ý những giải pháp đồng sáng tạo và đổi mới bằng cách sử dụng sự hiểu biết của toàn nhân loại.

Bất cứ sinh viên nào trên thế giới giờ đây đều có thể sử dụng chương trình học toàn cầu trực tuyến miễn phí của MIT (Đại học công nghệ Massachusetts) : sinh viên có thể lựa chọn nội dung học của một trong những trường đại học hàng đầu của thế giới, nghiên cứu bất cứ lĩnh vực gì. Tải các bài giảng, chia sẻ kinh nghiệm tại một trong những diễn đàn của sinh viên. Trở thành thành viên của MIT, tham gia vào quá trình học tập suốt đời vì mục đích của nền kinh tế tri thức toàn cầu. Các nhà khoa học có thể làm thay đổi khoa học bằng cách công khai nguồn dữ liệu và phương pháp của họ để cho tất cả các nhà khoa học trẻ và các nhà khoa học có kinh nghiệm trên thế giới đều có cơ hội tham gia vào quá trình khám phá. Chương trình học liệu mở của MIT là bước đi đầu tiên để hướng tới việc thành lập Siêu Đại học Toàn cầu. Hiện nay, tài liệu của 1.800 giáo trình cho 33 môn học lý thuyết của MIT đang được đưa lên mạng để truy cập miễn phí.

Hình thành Trung tâm Học tập Ảo toàn cầu, khi đó mọi người đều có cơ hội tham gia vào bất cứ lúc nào, và được thường xuyên cập nhật và mở rộng bởi tất cả mọi người - bằng mọi thứ tiếng. Mạng này còn cung cấp các công cụ để việc học tập có thể diễn ra vào bất kỳ lúc nào và tại bất cứ nơi đâu. Những công nghệ mới luôn được cập nhật sẽ giúp mọi người trên khắp thế giới có thể tham dự vào quá trình đồng sáng tạo, sao cho cùng một lúc công nghệ đó phù hợp với từng cá nhân, mang tính tương tác, toàn cầu tức thời, ... dễ dàng chia sẻ và tất cả mọi người đều có thể đóng góp khả năng sáng tạo

Muốn cho hàng triệu người có thể tham gia vào quá trình đồng sáng tạo, cần phải tạo ra một công nghệ nền tảng (platform) sao cho cùng một lúc công nghệ đó phù hợp với từng cá nhân, mang tính tương tác, toàn cầu, tức thời, miễn phí, dễ dàng chia sẻ và tất cả mọi người đều có thể đóng góp khả năng sáng tạo.

3. Định hướng nghiên cứu ứng dụng web trong giáo dục đại học và mô hình Siêu Đại học toàn cầu (Globad Meta-University)

3.1 Lý thuyết mở đồng hành với thí nghiệm và thực hành mở

Việc dạy và học lý thuyết trực tuyến đang là một thực tế trên khắp thế giới. Giai đoạn tiếp theo của nội dung mở là phòng thí nghiệm trực tuyến ( Open iLap). Về nguyên tắc, hiện nay các thí nghiệm đều được kiểm soát bằng máy tính. Vì thế các thí nghiệm có thể kiểm soát từ mọi khoảng cách thông qua mạng internet. Một trong những dự án đầu tiên thuộc loại này là iLap - một sáng kiến hợp tác giữa bộ phận nghiên cứu của Microsoft và MIT. Dự án này được thiết kế để cho phép sinh viên vận hành các dụng cụ thí nghiệm từ phòng ngủ hoặc bất cứ nơi nào họ muốn. Ilap bắt đầu với những thí nghiệm vi điện tử và mở rộng sang dạy các thí nghiệm về các lò phản ứng hóa học, các kết cấu cơ học, công nghệ quang điện . . . . Lúc đó sẽ cho phép truy cập mở và miễn phí các phòng thí nghiệm trực tuyến trên khắp thế giới. Đây sẽ là phòng học của tương lai có thể phục vụ cho hàng triệu người thay vì 20 hoặc 30 . . .

Việc mô phỏng thế giới thực, giúp tạo ra các phần mềm thực hành từ xa. Đây là hướng nghiên cứu đầy tiềm năng, ví dụ phầm mềm huấn luyện phi công lái máy bay

Toàn bộ công việc trên nếu được kết hợp với truy cập Internet tốc độ cao, giá rẻ và rộng rãi - sẽ chính là quá trình toàn cầu hóa các cơ sở giáo dục đại học, thu hẹp khoảng cách số giữa những nước giàu và nước nghèo

3.2 Xây dựng nguyên tắc, định hướng nghiên cứu

- Con người vẫn là yếu tố quyết định. Hàng triệu sinh viên trẻ tuổi ưu tú sẽ là những người sáng tạo ra những công cụ tương tác hữu ích nhất để làm thay đổi giáo dục. Tất cả các phần mềm giáo dục đều phải được sáng tạo ra bởi một ‘trí tuệ thế giới” của những sinh viên và người ham học.

- Phần mềm giáo dục không thuộc về bất cứ ai, chúng phải được cung cấp miễn phí cho mọi người, tại bất cứ nơi nào. Phần mềm và cách tổ chức đều phải là kiểu Wiki (giống như Wikipedia) sao cho bất cứ ai cũng đều dễ dàng đóng góp và sáng tạo thêm. Cần làm cho cuộc cách mạng web 2.0 trở nên dễ hiểu với tất cả mọi người. Xây dựng những công nghệ nền tảng (platform) và những công cụ mẫu (template) để những giáo viên giỏi có thể bổ sung các mô-đun học tập dễ sử dụng cho bất cứ ai.

- Các trường đại học sẽ tự chọn chủ đề và trình độ phù hợp. Mỗi trường với một chủ đề cụ thể do trường đó chọn sẽ trở thành “trang nhà” của tất cả những phần mềm giáo dục có liên quan đến lĩnh vực đó- được sáng tạo nên bởi tất cả những người làm việc trong lĩnh vực đó trên khắp thế giới. Và thành quả chung đó phải được dễ dàng tìm kiếm và luôn có sẵn cho bất cứ ai truy cập vào Web để kết hợp lại và bổ sung rồi sau đó lại được tiếp tục chia sẻ cho những người khác. Sao cho phần mềm của tất cả các địa chỉ đều luôn mới nhất để phục vụ hữu ích cho việc dạy và học.

4. Kết luận

Bài viết đã tổng hợp và đưa ra các mô hình ứng dụng cụ thể công nghệ web trong giáo dục. Từ những sợi quang và sóng vô tuyến, loài người đã kết nối tất cả mọi tiến trình, mọi sự kiện vào trong các mạng web khổng lồ. Web giờ đây đã trở thành công cụ liên kết hàng triệu đóng góp nhỏ bé của hàng triệu người và làm cho chúng ngày càng thông minh hơn. Từ đó định hướng nghiên cứu công nghệ giáo dục  phù hợp với sự phát triển công nghệ truyền thông tương tác

Bản chất công nghệ web trong giáo dục là đã thay đổi một loạt tư tưởng trong triết lý giáo dục. Học không phải là tiếp thu kiến thức mà chính là tìm tòi khám phá, là kết hợp những quan niệm trong giáo dục với những công nghệ thông tin tương tác.

Dạy và học sẽ không bó hẹp trong thời hạn mà tiến tới : học tập suốt đời.

Điều các tác giả tâm đắc nhất chính là công nghệ web tạo ra khả năng “ai cũng đươc học hành” như Bác Hồ đã ao ước. Khả năng ứng dụng web trong giáo dục là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn của mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam nếu muốn “sánh vai các cường quốc năm châu” không thể đứng ngoài cuộc trong lĩnh vực này.

PGS.TS Ngô Tứ Thành

(Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)

 

Giáo dục đạo đức học sinh thông qua tiết chào cờ đầu tuần

Email In PDF.

(GD&TĐ) - Đạo đức là phẩm chất quan trọng nhất của nhân cách, là nền tảng để xây dựng thế giới tâm hồn của mỗi con người. Vì vậy, ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, việc giáo dục đạo đức cho thế hệ đang lớn lên cũng là trung tâm chú ý của các nhà lãnh đạo và các thành viên xã hội.

Giáo dục đạo đức (GDĐĐ) nhằm hướng tới mục đích đào tạo những con người không chỉ có tài mà còn có đức, để các em trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội. Vậy phải làm thế nào để GDĐĐ đạt hiệu quả. Chúng ta phải thấy rằng GD đức dục khó hơn trí dục vì GDĐĐ không có giáo án sẵn. GDĐĐ không đứng  độc lập mà được lồng ghép vào từng bài giảng, thấm sâu vào học sinh mỗi ngày. Không chỉ các môn KHXH mà các môn KHTN cũng mang tính giáo dục.

Hiện nay, các nhà trường rất quan tâm tới việc GDĐĐ cho học sinh nhưng hiệu quả của công tác này chưa cao. Mặt trái của cuộc sống và môi trường xã hội với những tác động tiêu cực đã dẫn đến những sai phạm đáng tiếc như: Học sinh đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo, ý thức phấn đấu kém… Nhiều người lo ngại cho sự xuống dốc của đạo đức xã hội, trong đó có sự băng hoại về giá trị đạo đức của giới trẻ. GDĐĐ đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách, sự xuống cấp của đạo đức có nhiều nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về nhiều ngành, nhưng trước hết trách nhiệm đó là của nhà trường - nơi GDĐĐ con người từ khi mới cắp sách đi học đến lúc bước chân vào đời.

Qua thực tế hoạt động của nhà trường, chúng tôi đã tiến hành nhiều biện pháp giáo dục học sinh. Tuy nhiên, trong những biện pháp đó, biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực nhất là thông qua tiết chào cờ đầu tuần. Kết quả là học sinh rất mong chờ tham gia giờ chào cờ với các hoạt cảnh, câu chuyện ngắn, chương trình văn nghệ, sinh hoạt chuyên môn dưới cờ với những món quà nhỏ thật sự sinh động, và bổ ích. Sinh hoạt dưới cờ là một diễn đàn để Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ GDĐĐ học sinh.

Trách nhiệm GDĐĐ học sinh trong nhà trường thuộc về tất cả CB,GV nhưng Hiệu trưởng vẫn giữ vai trò nồng cốt. Hiệu trưởng xác định nội dung, quyết định các hình thức, phân công phần hành cho các thành viên trong nhà trường. Hiệu trưởng còn là người trực tiếp tham gia GDĐĐ học sinh thông qua nhiều hoạt động. Để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao trên, người Hiệu trưởng phải tìm cho mình những biện pháp giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh.

ảnh minh họa

Việc chào cờ đầu tuần vô cùng thiêng liêng đối với người dân mỗi nước. Đối với học sinh, tiết chào cờ đầu tuần góp phần quan trọng trong việc giúp các em rèn luyện nhân cách, từ những việc nhỏ như: Ham học, ham làm, siêng năng, cần kiệm... đến những việc lớn như hun đúc tinh thần dân tộc, lòng yêu nước ở mỗi người. Nếu tiết chào cờ mỗi sáng thứ hai trở thành những tiết học thú vị thì chúng sẽ là động lực giúp học sinh hào hứng bước vào tuần học mới. Vì vậy mà giờ chào cờ, hát Quốc ca vào sáng thứ hai hàng tuần đã trở thành nề nếp trong các trường học ở nước ta.

Việc xây dựng lồng ghép những bài học kỹ năng sống, lịch sử, đạo đức ngay trong tiết chào cờ bằng các hình thức phong phú như hoạt cảnh, chương trình văn nghệ, cuộc thi vấn đáp, diễn đàn trao đổi thu hút đông đảo học sinh tham gia sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi học sinh. Giáo dục đạo đức, nhân cách, kĩ năng sống thông qua hoạt động này sẽ giúp các em trưởng thành nhanh chóng so với những hình thức khác.

Tuy nhiên, không ít trường không thành công khi triển khai những ý tưởng đổi mới nội dung sinh hoạt dưới cờ cho học sinh.

Để có được những buổi chào cờ thành công, trước hết người Hiệu trưởng phải luôn có ý tưởng mới, thay đổi hình thức và nội dung các buổi sinh hoạt mang tính giáo dục cao này. Khi diễn thuyết, Hiệu trưởng ngoài trang phục gọn gàng, chỉnh tề phải, có cử chỉ hành động, lời nói thật mô phạm nhưng thật sự hấp dẫn, thu hút người nghe.

Cái khó của GDĐĐ cho học sinh không chỉ ở lựa chọn nội dung, cách thức giáo dục mà còn ở nghệ thuật giáo dục, nhằm tạo ra ở các em niềm hứng khởi và xúc cảm thẫm mỹ. Để làm được điều đó có thể dựa vào các tấm gương sống động của các anh hùng liệt sĩ, các  tác phẩm nghệ thuật... Sau đây là một số ví dụ tiêu biểu.

Ví dụ 1: Chọn tác phẩm "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm", "Mãi mãi tuổi hai mươi", tấm gương GS Ngô Bảo Châu để giáo dục lí tưởng sống của Thanh niên.

Ví dụ 2: Sử dụng bức thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy Hiệu trưởng nhân dịp khai giảng năm học mới để giáo dục động cơ, thái độ học tập, rèn luyện của học sinh.

Ví dụ 3: Chúng ta chọn tác phẩm "Những gương mặt giáo dục Việt Nam 2007 "(NXB Giáo dục), lá thư "Yêu thương không bao giờ muộn" để giáo dục truyền thống Nhà giáo Việt Nam...

Lãnh đạo nhà trường cũng có thể mời thêm các lực lượng giáo dục ở ngoài nhà trường như Công an; Hội liên hiệp phụ nữ; Hội cực Chiến binh; cán bộ Đoàn ở huyện, tỉnh; lão thành cách mạng; Huyện đội tham gia nói chuyện truyền thống, nói chuyện theo chủ đề...

Để hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh bao gồm cả "đức" và "tài" cần tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện trong nhà trường, trong đó công tác giáo dục đạo đức, nhân cách đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Giáo dục đạo đức, nhân cách là một bộ phận quan trọng là nền tảng của giáo dục nói chung.

Giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh là một công việc khó, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của nhiều lực lượng trong nhà trường và xã hội. Hình thức giáo dục rất phong phú và đa dạng. Hiệu trưởng trường THPT là người chịu trách nhiệm chính trong nhà trường về nhiệm vụ này. Sinh hoạt dưới cờ là một diễn đàn thuận lợi cho Hiệu trưởng các trường làm nhiệm vụ giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh. Việc đầu tư, sử dụng, khai thác tốt diễn đàn này chắc chắn sẽ góp phần tích cực trong việc giáo dục toàn diện học sinh. Cải tiến, đổi mới nội dung và hình thức buổi chào cờ là một công việc thường xuyên và luôn luôn mới mẽ đối với người Hiệu trưởng trong tình hình hiện nay.

Nguyễn Văn Nhẫn

 
Trang 5 của 16

Danh mục

Đăng nhập