Đang xử lý.....

Hai hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo hấp dẫn 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Bảy, 07/11/2015, 00:00 (GMT+7) 127

Tổ chức cho học sinh đi tham quan tại các Bảo tàng lịch sử - một hình thức trải nghiệm sáng tạo hấp dẫn và hiệu quả

Tổ chức cho học sinh đi tham quan tại các Bảo tàng lịch sử - một hình thức trải nghiệm sáng tạo hấp dẫn và hiệu quả

GD&TĐ - Theo TS Ngô Thị Thu Dung (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể tổ chức thông qua hình thức tham quan, dã ngoại hoặc qua các cuộc thi, hội thi.

Môi trường để học sinh khẳng định năng lực cá nhân

Các chuyến tham quan, dã ngoại sẽ tăng cường cơ hội cho học sinh được giao lưu, chia sẻ và thể hiện những khả năng vốn có; đồng thời giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương đất nước, hiểu được các giá trị truyền thống, hiện đại.

 

 

TS Dung phân tích: Tham quan, dã ngoại là một hình thức tổ chức giáo dục thực tế hấp dẫn đối với học sinh.

Mục đích của tham quan, dã ngoại là để các em được đi tham quan, tìm hiểu và học hỏi kiến thức, tiếp xúc với các thẳng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa công trình, nhà máy hoặc một địa danh nổi tiếng của đất nước ở xa nơi các em đang sống, học tập… giúp các em có được những kinh nghiệm từ thực tế, từ các mô hình, cách làm hay và hiệu quả trong một lĩnh vực nào đó, từ đó có thể áp dụng vào cuộc sống của chính các em.

Nội dung tham quan, dã ngoại có tính giáo dục tổng hợp đối với học sinh như: Giáo dục lòng yêu thiên nhiên, đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, truyền thống của Đảng, của Đoàn, của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Các lĩnh vực tham quan, dã ngoại có thể được tổ chức ở nhà trường phổ thông là:

- Tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa;

- Tham quan các công trình công cộng, nhà máy, xí nghiệp;

- Tham quan các cơ sở sản xuất, làng nghề;

- Tham quan các Viện bảo tàng;

- Tham quan du lịch truyền thống;

- Dã ngoại theo các chủ đề học tập;

- Dã ngoại theo các hoạt động nhân đạo.

"Có thể nói, tham quan, dã ngoại là hoạt động thu hút đông đảo học sinh tham gia bởi tính lãng mạn, mang màu sắc vui chơi của nó. Tham quan, dã ngoại là điều kiện và môi trường tốt cho các em tự khẳng định mình, thể hiện tính tự quản, tính sáng tạo và biết đánh giá sự cố gắng, sự trưởng thành của bản thân cũng như tạo cơ hội để các em thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận đi đôi với thực tiễn”, đồng thời là môi trường để thực hiện mục tiêu “xã hội hóa” công tác giáo dục" - TS Dung chia sẻ.

Bồi dưỡng động cơ học tập tích cực cho học sinh

 

Mục đích tổ chức hội thi/cuộc thi nhằm lôi cuốn học sinh tham gia một cách chủ động, tích cực vào các hoạt động giáo dục của nhà trường; đáp ứng nhu cầu về vui chơi giải trí cho học sinh; thu hút tài năng và sự sáng tạo của học sinh; phát triển khả năng hoạt động tích cực và tương tác của học sinh, góp phần bồi dưỡng cho các em động cơ học tập tích cực, kích thích hứng thú trong quá trình nhận thức


 

Cũng theoTS Ngô Thị Thu Dung, hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể tổ chức thông qua hình thức hội thi/cuộc thi.

Đây là một trong những hình thức tổ chức hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn học sinh và đạt hiệu quả cao trong việc tập hợp, giáo dục, rèn luyện và định hướng giá trị cho tuổi trẻ.

TS Dung chia sẻ, hội thi mang tính chất thi đua giữa các cá nhân, nhóm hoặc tập thể luôn hoạt động tích cực để vươn lên đạt được mục tiêu mong muốn thông qua việc tìm ra người/đội thắng cuộc.

Chính vì vậy, tổ chức hội thi cho học sinh là một yêu cầu quan trọng, cần thiết của nhà trường, của giáo viên trong quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Hội thi/cuộc thi có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Thi vẽ, thi viết, thi tìm hiểu, thi đố vui, thi giải ô chữ, thi tiểu phẩn, thi thời trang, thi kể chuyện, thi chụp ảnh, thi kể chuyện theo tranh, thi sáng tác bài hát, hội thi học tập, hội thi thời trang, hội thi học sinh thanh lịch… có nội dung giáo dục về một chủ đề nào đó.

Hội thi có khả năng thu hút sự tham gia của tất cả học sinh trong nhà trường, từ cá nhân đến nhóm hay tập thể với các quy mô tổ chức khác nhau như quy mô lớp, quy mô khối lớp hoặc quy mô toàn trường.

Hội thi cũng có thể huy động sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng như các nghệ nhân, những người làm công tác xã hội hay các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên phường, xã, hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh hay cán bộ, nhân viên các cơ quan như y tế, công an, bộ đội…

“Nội dung của hội thi rất phong phú, bất cứ nội dung giáo dục nào cũng có thể được tổ chức dưới hình thức hội thi/cuộc thi. Điều quan trọng khi tổ chức hội thi là phải linh hoạt, sáng tạo khi tổ chức thực hiện, tránh máy mọc thì cuộc thi mới hấp dẫn.

Khi tổ chức hội thi/cuộc thi nên kết hợp với các hình thức tổ chức khác (như văn nghệ, trò chơi, vẽ tranh…) để hội thi/cuộc thi phong phú, đa dạng, thu hút được nhiều học sinh tham gia hơn” – TS Dung trao đổi.

Minh Phong (ghi)

Bình luận