Đang xử lý.....

Đền thờ Lê Quang Quan (Tán Kế) xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm được công nhận di tích cấp tỉnh 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Hai, 07/04/2014, 00:00 (GMT+7) 6107
Người viết: Trần Hoàng Huấn
26/02/2014

(Bentre.gov.vn)-UBND tỉnh Bến Tre có quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2014 công nhận Đền thờ Lê Quang Quan (Tán Kế) xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm là di tích cấp tỉnh về lưu niệm danh nhân.
Sau khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định rồi Đại đồn Kỳ Hòa và mở rộng cuộc chiến ra các tỉnh lân cận thì triều đình Huế đã nhu nhược chấp nhận đầu hàng, cắt giao 3 tỉnh miền Đông cho giặc. Bến Tre lúc ấy đã trở thành đất “tị địa” cho những sĩ phu, sĩ dân yêu nước.

Trong khi đó người Bến Tre cũng có mặt và chiến đấu dũng cảm trong các đơn vị quân đội của triều đình như Lê Quang Quan (Tán Kế), Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng… Họ cũng có mặt trong đội quân ứng nghĩa “chân đất” của Trương Định như Trịnh Viết Bàng, Huỳnh Văn Thiệu; khi chủ tướng mất, những người này vẫn giữ ý chí chiến đấu, lui về quê nhà ở Bình Đại, chiêu mộ nghĩa quân, tổ chức chiến đấu chống giặc cho đến khi hy sinh nơi chiến trận, hay đền nợ nước hiên ngang ở giữa pháp trường.

Image
Bia Lưu niệm nơi cụ Tán Kế Lê Quang Quan hy sinh. (Ảnh T.H.H.)

Khi 3 tỉnh miền Tây rơi vào tay giặc thì nhân dân Bến Tre đã cho chúng nếm ngay những đòn phủ đầu lúc mới vừa đặt chân lên dải đất cù lao này như trận đánh ở Hương Điểm (Giồng Trôm), Giồng Gạch (Ba Tri),… Rồi những tháng năm tiếp theo là những cuộc khởi nghĩa tự phát nổi dậy của nhân dân từ cù lao Bảo, cù lao Minh đến cù lao An Hóa, gắn liền với tên tuổi của Phan Ngọc Tòng, Phan Liêm, Phan Tôn, Lê Quang Quan (Tán Kế), Trịnh Viết Bàng, Lê Văn Nghiêm, Bá hộ Huân, ông Tô, ông Kiểu, Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương,…

Không chỉ đánh địch ngay trên mảnh đất quê nhà, nhân dân cù lao An Hóa còn tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Huân ở bên kia bờ sông Tiền. Trong sự nghiệp bảo vệ quê hương, không chỉ có đông đảo những người “dân ấp dân lân” – là giai cấp nông dân tiêu biểu tham gia chiến đấu, mà còn có những người xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” cũng có mặt trên tuyến đầu chống xâm lăng; kẻ chiến đấu bằng ngòi bút như tú tài Nguyễn Đình Chiểu, cử nhân Phan Văn Trị, người thì cầm gươm xông pha vào trận mạc như thầy giáo làng Phan Ngọc Tòng - người anh hùng trận Giồng Gạch; như Trương Tấn Chí, cháu của Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, hy sinh trong trận giáp lá cà ở Hương Điểm; như cử nhân Âu Dương Lân, người đã cùng với Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Định Tường; Lê Văn Nghiêm, người học trò xuất sắc của cụ Đồ Chiểu, chỉ huy cuộc nổi dậy diệt tên đồn trưởng Pháp ở Mỏ Cày,… Thời gian này, một cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn do Lê Quang Quan (Tán Kế) lãnh đạo nổ ra ở vùng Ba Châu (gồm Châu Phú, Châu Thới và Châu Bình).

Sau khi triều đình Huế ký hòa ước năm 1862, nhường 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, Lê Quang Quan (Tán Kế) cùng với một số binh sĩ khác bất mãn, bỏ ngũ trốn về quê. Trở về Mỹ Chánh, ông vận động nhân dân trong vùng, tập hợp trai tráng, rèn vũ khí, luyện tập võ nghệ, chuẩn bị lực lượng chống Pháp ngay trên đất quê nhà. Tháng 6/1867, giặc Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây, trong đó có Bến Tre (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long). Ông đứng ra mộ binh sĩ, phát động khởi nghĩa chống Pháp tại vùng Ba Châu (Châu Phú, Châu Thới và Châu Bình) nay thuộc huyện Giồng Trôm, giáp với các làng Phong Mỹ, Phong Nẫm (Giồng Trôm), Ba Mỹ, Tân Xuân (Ba Tri) được nhân dân hưởng ứng khá đông. Nghĩa quân do ông lãnh đạo dựa vào địa thế, địa hình hiểm trở, có rừng dày, lau sậy, chà là rậm rạp thuận tiện cho việc trú quân và cất giấu lương thực, vũ khí. Nơi đây có thể tiến thoái khi cần, nhờ đó mà duy trì được cuộc chiến đấu lâu dài.

Cuộc khởi nghĩa của ông (…?) đã gây cho đốiphương nhiều tổn thất, như trận đánh vào làng Đồng Xuân (5/1869), làng Phú Ngãi và làng Tân Điền (8/1869) giết chết tên Cai tổng Trị và người em là xã trưởng ở đây. Nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu (nghĩa quân phần lớn là nông dân), lại được trang bị vũ khí quá thô sơ, không được huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật tác chiến nên lực lượng khởi nghĩa sau nhiều lần đụng độ đã bị tiêu hao dần.

Trước tình thế bị địch bao vây ngày một khó khăn, ông ra lệnh giải tán lực lượng, chỉ chọn một số người thân cận rút vào vùng rừng lau sậy, chà là hoang vu, rậm rạp tạm tránh những mũi tấn công của địch để chờ cơ hội tìm phương sách đối phó. Một tên đào ngũ đã lén báo cho quân Pháp đồn trú gần đó biết nơi ông ẩn náu, và chúng đã bao vây bắt được ông. Sau đó, chúng đưa ông ra hành quyết vào ngày 11 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (tức ngày 21/02/1869) và đem đầu ông bêu ở chợ Châu Thới ba ngày ba đêm nhằm đe dọa tinh thần dân chúng. Trong dân gian ở vùng này còn lưu truyền giai thoại về cái thủ cấp (của Tán Kế) đựng trong giỏ tre, đôi mắt vẫn biết giận, mở trừng trừng không chịu nhắm.

Cuộc khởi nghĩa tuy kết cục thất bại, nhưng tinh thần yêu nước bất khuất, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông và nghĩa quân mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Bến Tre. Cảm phục về cái chết của người anh hùng ở vùng đất Ba Châu, nhân dân đã lập miếu thờ ông ở những nơi mà ông và nghĩa quân thường qua lại hoạt động. Hiện nay, một miếu thờ Tán Kế được xây dựng ngay tại quê hương Bốn Mỹ (xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri; mộ chôn cất phần thân mình ở đây – đã được công nhận di tích cấp tỉnh về lưu niệm danh nhân) để tưởng nhớ đến sự hy sinh oanh liệt của người lãnh đạo nghĩa quân anh hùng. Một miếu thờ khác cũng được xây dựng tại nơi ông hy sinh (ấp Châu Thới, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, nơi đây cũng có mộ để chôn thủ cấp của ông).

Image
Đền thờ cụ Tán Kế đang được khẩn trương xây dựng giai đoạn 2. (Ảnh T.H.H.)

Đền thờ cụ Lê Quang Quan (Tán Kế) tọa lạc tại xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm có tổng diện tích là 2768,5m2. Mặt bằng xây dựng đền thờ có diện tích 252m2, không gian xây dựng sân lễ, hồ sen trước đền thờ là 168m2, không gian trung gian kết nối là 50m2, lối vào chính 100m2, cây xanh bao quanh công trình 428m2. Bốn thành phần không gian chức năng này được quy hoạch nối kết theo chuỗi và đăng đối dọc theo đường tim khu đất (trong kiến trúc truyền thống dân tộc, đường tim này gọi là “đường Thần đạo” dẫn từ lối vào chính đến điện thờ). Đền thờ được xây dựng theo kiểu tạo không gian uy nghi và tôn kính bằng thủ pháp tổ chức chiều cao nền của 3 không gian chức năng theo hướng tăng cốt nền cao dần từ lối vào chính đến điện thờ, có 3 lần tăng cốt nền bằng bậc cấp: lần thứ nhất 3 bậc cấp để vào không gian sân lễ, lần thứ nhì 5 bậc cấp vào không gian đền thờ, lần thứ ba 5 bậc vào không gian sảnh điện thờ. Hồ sen lát gạch ceramic. Sân đền thờ được lót đan.

Đền thờ có diện tích 94m2, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống cổ truyền Việt Nam với quy mô nhỏ và đơn giản chỉ có phòng thờ và hành lang phía trước. Đền thờ cao 8,12m. Trên nóc trang trí hoa văn uốn cong ở các đuôi mái và ở giữa là một hoa văn hình quả châu. Các đuôi mái đều được uốn cong, mặt trước có trang trí một số hoa văn đắp nổi. Khối nhà chính làm phòng thờ có hình vuông, diện tích 15,21m2 (3,9m x 3,9m), có một tầng mái ngói với 4 mái và 2 đầu hồi. Phòng thờ được xây tường, ốp gạch Norco màu đỏ. Khối hình chữ nhật phía trước phòng thờ là khối hành lang thấp, diện tích 22,25m2 (8,9m x 2,5m), có một tầng mái ngói, chiều ngang 3 gian (2,5m x 3,9m x 2,5m) tạo không gian mặt tiền rộng. Hai gian hai bên có trang trí một số hoa văn hoa sen đắp nổi. Sàn mái cao 3,30m được đổ bê-tông cốt thép, dán ngói âm dương tráng men. Nền đền thờ lát gạch ceramic. Các bậc tam cấp lát đá hoa cương màu đen kim tuyến kẻ mũi bậc. Đền thờ có tất cả 12 cây cột tròn bằng bê-tông cốt thép ốp đá trong đó 4 cây cột chính (tứ trụ) cao 6,78m, các cây cột còn lại cao 3m. Phía trước và phía sau đền đều có các bậc tam cấp. Hai bên hông có trang trí hai hoa văn hình tròn trên tường và hai bồn hoa nhỏ được ốp đá chẻ ở dưới. Nền cao 0,8m so với tổng thể xung quanh. Phía sau nền cũng được ốp đá chẻ. Hoa văn trên các đuôi mái, bờ dốc, bờ chảy đều được uốn lượn theo kiểu truyền thống. Cửa chính đền thờ bằng gỗ quý (kích thước 2,95m x 2,70m).

Đền thờ Cụ Lê Quang Quan (Tán Kế) là di tích lưu niệm danh nhân về quân sự. Mặc dù với vũ khí thô sơ, lạc hậu, quân số ít ỏi, kỹ - chiến thuật chiến đấu còn hạn chế nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý chí quật cường, lòng quả cảm, nghĩa quân không tiếc máu xương, dù hy sinh thân mình cũng không lùi bước, vẫn quyết xông lên phía trước để tiêu diệt quân thù, mong muốn dành lại độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Tinh thần đó minh chứng cho sự đấu tranh anh dũng và truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta. Các thế hệ người Bến Tre nói chung và Ba Tri, Giồng Trôm nói riêng mãi mãi tôn vinh, ngưỡng vọng, tôn thờ cụ Tán Kế như một vị thần có công giúp nước, che dân.

Đền thờ cụ Tán Kế được khởi công xây dựng vào ngày 12/10/2013 trên nền trường THCS Châu Hòa cũ. Đây là khu đất công do UBND xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, quản lý. Đền thờ chính được xây dựng với diện tích 112,7m2. Tổng kinh phí xây dựng công trình trên 2,901 tỷ đồng, trong đó Quỹ Thiện Tâm tài trợ 1,8 tỷ đồng, phần còn lại do mạnh thường quân, người dân địa phương đóng góp. Đền thờ được xây dựng nhằm tưởng nhớ đến sự hy sinh, lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm của cụ Tán Kế và nghĩa quân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Công trình với các hạng mục: đền thờ, sân đền, sân lễ, đường vào, lối đi, nhà vệ sinh và san lấp giai đoạn 1. Giai đoạn này, công trình đã được khánh thành và công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận Di tích cấp tỉnh nhân dịp kỷ niệm 145 năm ngày mất của cụ vào ngày 11/02/2014 (nhằm ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Ngọ). Giai đoạn 2 sẽ đầu tư các hạng mục cổng tường rào, công viên và san lấp giai đoạn 2.

Bình luận